Hội thảo chuyên đề: VẤN ĐỀ NGẬP NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 40 NĂM NHÌN LẠI

  • 16/12/2016
  • 304
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe
Ngập lụt đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ đặt ra những thách thức, nguy cơ đối với con người và tài sản mà còn tác động trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng của thành phố. Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, thành phố đã nỗ lực xóa bỏ tình trạng ngập lụt trên địa bàn. Tuy nhiên, để giải quyết được vấn đề ngập lụt đô thị một cách triệt để, chính quyền thành phố rât cần sự đồng sức, chung tay của toàn cộng đồng xã hội nhằm thực hiện một chiến lược quản lý ngập lụt bền vững, than thiện với môi trường.

Xuất phát từ những yêu cầu cấp thiết đó, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố đã tổ chức hội thảo chuyên đề "Vấn đề ngập nước trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh – 40 năm nhìn lại" nhằm mục đích (i) đánh giá những thành tựu và tồn tại trong công tác chống ngập nước 40 năm qua và công tác quản lý nhà nước về thoát nước; (ii) phân tích các nguyên nhân ngập nước bao gồm nhó nguyên nhân mang tính khách quan, tự nhiên và nhóm nguyên nhân chủ quan; (iii) đề xuất các giải pháp chống ngập góp phần giải quyết căn cơ vấn đề ngập nước của thành phố. Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm nhiều chuyên gia cũng như các cơ quan quản lý chuyên ngành trong thành phố.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, tình hình ngập tại thành phố là vấn đề nan giải, chẳng những chưa cải thiện mà còn có xu hướng gia tăng, dù được đầu tư rất lớn nhưng tình trạng ngập úng đô thị vẫn trầm trọng. Các nguyên nhân gây ngập ở thành phố Hồ Chí Minh rất phức tạp, các yếu tố gây ngập lại có mối lien hệ tương tác. Bên cạnh nguyên nhân khách quan như lượng mưa ngày càng tăng, mực nước đỉnh triều tăng đột biến, còn có nguyên nhân xuất phát từ con người: tiến trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ cao, trong khi công tác quản lý còn hạn chế. Thực tế trong khoảng 20 năm qua, nhiều diện tích đất vùng thấp trở thành khu dân cư, khu công nghiệp, khiến ứ đọng nước kéo dài. Một số nguyên nhân chính gây ngập được nêu rõ: dự án chống ngập chưa được triển khai triệt để, chưa thực hiện các dự án hỗ trợ thoát nước, đặc biệt là tình trạng xả rác bừa bãi, lấn chiếm kênh rạch.

Hầu hết các giải pháp thoát nước chống ngập tại thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu dựa theo giải pháp công trình, chưa nhấn mạnh đến yếu tố thích nghi và bền vững. Khu vực thành phố Hồ Chí Minh đang chịu tác động mạnh mẽ của các yếu tố bất định như mưa, triều, lũ, lún mặt đất, đô thị hóa thiếu kiểm soát. Do đó, giải pháp lâu dài là hệ thống quản lý quy hoạch ngập lụt hợp lý có xem xét đến các yếu tố nêu trên để đảm bảo giải pháp thoát nước bền vững. Bên cạnh các giải pháp ngắn hạn như khơi thông hệ thống cống rãnh, giảm thiểu tình trạng lấn chiếm kênh rạch, cửa xả,… việc quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch không gian đô thị để thích nghi tốt hơn với tính bất định của thời tiết, khí hậu là hết sức cần thiết và cấp bách. Ngoài ra, để đáp ứng với tốc độ đô thị hóa quá nhanh, kinh phí đầu tư cho hệ thống thoát nước cần phải được tăng cường mạnh hơn nữa. Một cơ chế tài chính bền vững để tạo nguồn thu cho công tác chống ngập nhằm thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách là điều cần làm đặc biệt với các dự án lớn như xây dựng cống ngăn triều, xây dựng nâng cấp hệ thống đê bao…