Sự biến đổi của Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, trăn trở nỗi lo

  • 16/08/2014
  • 312
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe
Không giống như một số di sản phi vật thể khác, Cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận do sự kết hợp của không gian và nghệ thuật. Chính vì vậy, việc bảo tồn di sản này cần quan tâm đến cả 2 yếu tố nêu trên. Tuy nhiên sự biến đổi của Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã và đang là nỗi lo của các nhà quản lý.
Kể từ khi Unesco công nhận Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đến nay đã gần 10 năm. Trong suốt thời gian đó, các cơ quan quản lý, các tổ chức trong và ngoài nước cũng như các địa phương có di sản đã không ngừng nỗ lực tổ chức những hoạt đồng nhằm chấn hưng, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.
Thực tế công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của Cồng chiêng Tây Nguyên đã đạt được một số thành tựu đáng kể. Cụ thể như tại một số tỉnh như Đăk Lăk, Lâm Đồng…đã đào tạo được nghệ sĩ dân gian thế hệ tiếp nối. Mặc dù còn trẻ tuổi nhưng những đội cồng chiêng tại các tỉnh đã được đào tạo bài bản và có khả năng trình diễn thành thục. Điều này đã thể hiện rất rõ nét tại các hội thi, liên hoan trong khu vực cộng đồng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Ví như tại buôn Ea Bông, xã Cư Êbur, TP.Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) có một đội chiêng nhỏ tuổi nhưng đã thành thục những “ngón” chiêng của người Ê Đê. Nghệ nhân Y Thim Byă - người đào tạo đội chiêng ấy tự hào nói: “Chúng mang chiêng đi đánh trong các cuộc liên hoan, hội thi, hay đơn giản là phục vụ khách du lịch, bao giờ cũng nhận được sự tán thưởng của mọi người. Tại buôn Trấp, huyện Krông Ana (Đăk Lăk) cũng có một đội chiêng được nhiều người biết đến. Đó là đội chiêng nữ (chiêng Jhô) với những cô gái Ê Đê xinh đẹp ở lứa trăng tròn. Họ đang ngày đêm luyện tập, để giữ gìn nhịp chiêng Jhô rất độc đáo của dân tộc mình. H’Diêu - thành viên trong đội chiêng Jhô này tâm sự: “Hiện tất cả mọi người đều có thể đảm đương được mọi vị trí khác nhau trong đội. Nhưng chúng em vẫn không ngừng tập luyện, để tiếng chiêng “thấm” sâu vào mỗi người mà hiểu hơn điều kỳ diệu của nó”…
Ngày càng có nhiều bạn trẻ tham gia các lớp học cồng chiêng, đây là tín hiệu vô cùng đáng mừng cho loại hình di sản này
Tại Lâm Đồng từ năm 2010 đến nay, các lớp truyền dạy cồng chiêng đã được mở ở khắp nơi trong tỉnh. Tổng cộng đã có tới hơn 20 lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ từ 15 - 32 tuổi ở các địa phương có đông đồng bào Mạ, K’Ho, Churu sinh sống với số lượng 24 học viên/lớp và 4 nghệ nhân truyền dạy. Trong đó, 3 lớp cồng chiêng cho đồng bào Churu tại các xã Đạ Quyn, Đà Loan (Đức Trọng), Tu Tra và thôn M’Lọn - thị trấn Thạnh Mỹ (Đơn Dương); 12 lớp cho dân tộc K’Ho tại Lộc Thành (Bảo Lâm), Gung Ré, Tân Châu, Tam Bố (Di Linh), Hiệp An, N’Thol Hạ, Tân Hội, Tà Hine, Tà Năng (Đức Trọng), Phi Liêng, Đạ Tông (Đam Rông), Măng Lin - phường 7 (Đà Lạt), Đưng K’Nớ (Lạc Dương); 5 lớp dân tộc Mạ tại Đạ PLoa, Đoàn Kết, Madaguoil, Đạ Oai (Đạ Huoai), Lộc Lâm, Lộc An (Bảo Lâm). Qua lớp học các học viên đều nắm vững những thao tác diễn tấu và những bài bản chiêng cơ bản của dân tộc mình. Những học viên này rồi sẽ trở thành những hạt nhân nòng cốt hình thành nên những đội cồng chiêng ở các thôn, buôn, duy trì luyện tập thường xuyên biểu diễn phục vụ các sự kiện, phục vụ nhân dân địa phương.
Bên cạnh những thành quả đạt được của từng địa phương thì cơ quan quản lý cấp Bộ, cấp Trung ương cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, những dự án bảo tồn đối với loại hình di sản này.
Mặc dù vậy, bên cạnh những thành công đạt được, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vẫn còn tồn động những bất cập trong công tác bảo tồn và đang hình thành những nguy cơ biến đổi khiến các nhà quản lý, bảo tồn văn hóa phải lo ngại.
Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được thì nỗi lo mất không gian, nỗi lo Tây hóa âm nhạc cồng chiêng cũng đã và đang là thách thức đối với các nhà quản lý
Điều đáng lo ngại đầu tiên đó là nguy cơ mất “không gian”. Không như những di sản văn hóa phi vật thể, Cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là di sản do sự kết hợp của 2 yếu tố “không gian” và “nghệ thuật”. Nếu chỉ trình diễn cồng chiêng thì chưa đủ điều tạo thành di sản độc đào này. Song cuộc sống hiện đại với tác động của nền kinh tế thị trường, không gian văn hóa cồng chiêng với những gian nhà dài, bến nước, nương rẫy, nhà mồ, không gian rừng…đang bị mất dần trong đời sống cộng đồng các dân tộc bản địa. Vì vậy mà giờ đây, âm nhạc cồng chiêng đang ngày càng được tô vẽ đậm nét hơn để trở thành một thứ âm nhạc trình diễn tại các lễ hội, phục vụ tại các điểm du lịch với kịch bản được dàn dựng sẵn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến không gian văn hóa cồng chiêng nguyên thủy. Bên cạnh đó, việc thay đổi phương thức sản xuất kéo theo những biến đổi trong nếp sống, sinh hoạt của người dân đã tác động tiêu cực đến việc lưu giữ các nhạc cụ. Nhiều gia đình đã mang bán đi những bộ cồng chiêng quý để lấy vốn sản xuất và giải quyết đời sống khó khăn của mình.
Tại một buổi hội thảo về âm nhạc truyền thống, Giáo sư Trần Quang Hải – người chuyên nghiên cứu về âm nhạc truyền thống cho biết: “ Trước kia ở Tây Nguyên có tới hơn 6.000 dàn cồng chiêng cổ, nhưng giờ chỉ còn khoảng 2.000. Nhiều dàn cồng chiêng cổ đã bị bán lại cho du khách, hay những người buôn đồ cổ. Hiện nay, đang có tình trạng cồng chiêng mới được mua từ nước ngoài về. Những chiếc cồng chiêng này rất đẹp, âm thanh tốt, cao độ chuẩn nhưng âm giai của nó là nhạc phương Tây, chứ không phải là âm giai nhạc Tây Nguyên”.
Không chỉ có những nỗi lo mất dần “không gian” và “nhạc cụ”, Cồng chiêng Tây Nguyên còn đang đứng trước nỗi lo về sự “Tây hóa”. Điều này xảy ra chính từ nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phần giới trẻ trong các buôn làng.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Linh Nga Niê K’dăm, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đang được tiếp nối rất đáng khích lệ. Tuy vậy, có một vấn đề rất đáng lo ngại hiện nay là tình trạng “sáng tạo” thái quá của lớp trẻ đối với di sản văn hóa truyền thống. Việc này đã vô tình “Tây hóa” tiếng chiêng truyền thống. Một số nhà nghiên cứu văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã từng chỉ ra vấn nạn sửa lại hàng âm của dàn chiêng để chơi những bài hát hiện đại, trẻ trung hơn; hoặc rút gọn phiên chế âm thanh dàn chiêng theo hướng tiêu cực, để rồi đến lúc muốn đánh lại những bài chiêng cổ của dân tộc mình thì không thể được nữa.
Cũng đồng quan điểm nêu trên, Giáo sư Trần Quang Hải nói: “ Trước kia nghệ nhân mỗi năm chỉ đúc được một cái cồng, một cái chiêng. Cồng chiêng không chỉ được đúc từ đồng đen mà còn được lấy máu trâu vừa bị đâm trét lên trên. Vì thế, âm thanh đánh lên mới nghe như âm thanh của núi rừng. Nhưng hiện có nhiều người trẻ tuổi bây giờ lấy cồng chiêng mà ông bà, cha mẹ để lại, cạo lớp vỏ bên ngoài, bên trong để chỉnh lại âm giai cho giống phương Tây”. Ông Trần Vĩnh- Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Kon Tum, người đã dày công nghiên cứu cồng chiêng Tây Nguyên, cũng cho rằng, việc này đang làm mất đi giá trị thực sự của cồng chiêng. Ông Vĩnh cũng quan ngại: “Các yếu tố làm nên không gian văn hóa cồng chiêng gồm: Tính cộng đồng, cộng cảm; sự gắn kết với thiên nhiên, với kết cấu vật chất văn hóa cư trú làng - nhà rông - nhà sàn; lễ thức, nghi lễ truyền thống. Ba yếu tố này nếu bị tách rời thì văn hóa cồng chiêng chưa phải là chính nó.
Để những nỗi lo biến đổi về Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên có thể được hóa giải cần sự hợp tác của nhiều cơ quan, tổ chức nhưng trên hết là sự nhận thức đúng đắn từ chính đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Bởi họ chính là chủ nhân của di sản, là những con người trực tiếp giữ gìn, bảo tồn tài nguyên văn hóa vô giá này của dân tộc. Bên cạnh đó, để có kế hoạch dài hơi cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, các cơ quan quản lý văn hóa sẽ cần xây dựng những dự án, chiến lược cụ thể để di sản văn hóa phi vật thể này có thể phát huy tối đa giá trị vốn có.
Nguồn: http://cinet.gov.vn
Nguyễn Hương