GIẢM NGHÈO ĐA CHIỀU Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – VẤN ĐỀ VÀ TRIỂN VỌNG

  • 13/01/2017
  • 548
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe
Trong những nghiên cứu, đánh giá về nghèo trước đây, phương pháp đo lường phổ biến vẫn là dựa trên tiêu chí thu nhập và chi tiêu, chuẩn nghèo cũng được xác định dựa trên cơ sở chi phí cho những nhu cầu cơ bản của con người. Trên thực tế, cách tiếp cận theo thu nhập này không còn phù hợp với tính đa chiều của nghèo đói bởi có những chỉ tiêu không thể đo lường qua thu nhập và chi tiêu. Phương pháp đo lường nghèo đa chiều sẽ khắc phục được những nhược điểm của phương pháp tiếp cận cũ, đồng thời giải quyết được nhu cầu thực tế mà người nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ thật sự.

Nhằm đánh giá đầy đủ hơn về định hướng này, ngày 29/12/2016 Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phối hợp cùng Dự án Hỗ trợ giảm nghèo đa chiều khu vực đô thị tại TPHCM (UNDP) đã tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Giảm nghèo đa chiều ở TPHCM – Vấn đề và Triển vọng” để đánh giá về thực trạng giảm nghèo, nhận định những vấn đề tồn tại và những triển vọng cho việc thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững tại TPHCM.

TPHCM là một trong những địa phương đầu tiên ở Việt Nam thực hiện phương pháp đo lường nghèo đa chiều trên 5 chiều xã hội, bao gồm: (1) giáo dục, (2) y tế, (3) việc làm và bảo hiểm xã hội, (4) điều kiện sống, (5) tiếp cận thông tin. Phương pháp này cho thấy một bức tranh hoàn chỉnh hơn về vấn đề nghèo khó. Nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh thách thức trong việc áp dụng phương pháp nghèo đa chiều là việc xác định chính xác, đầy đủ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí thu nhập kết hợp với các chiều xã hội. Theo đó, nhận diện chiều thiếu hụt của từng hộ dân hay nhóm hộ, nhóm dân cư để từ đó có giải pháp cụ thể nhằm giải quyết các tình trạng thiết hụt này, cải thiện cuộc sống của người dân, bao gồm những nỗ lực giúp người dân di cư hòa nhập với xã hội, giảm tội phạm, tăng cường hệ thống phúc lợi xã hội, cải thiện dịch vụ nhà ở và chất lượng nhà ở,… Tuy nhiên, theo TS Hồ Bá Thâm – Hội Khoa học Phát triển Nhân lực, Nhân tài TP – nghèo năng lực hay còn gọi là thiếu năng lực là yếu tố quan trọng nhất cần phải được chú trọng để giảm nghèo bền vững.

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM cho biết, năm 2016 là năm đầu tiên TPHCM thực hiện chương trình giảm nghèo theo cách tiếp cận đa chiều. Từ đầu năm 2016 đến nay, Thành phố đã có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ người nghèo theo hướng chuyển dần từ trợ cấp sang tác động nhằm giúp hộ nghèo tổ chức sản xuất kinh doanh, hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề và thực hiện các chính sách ưu đãi xã hội khác…, cấp phát trên 195 nghìn thẻ bảo hiểm y tế; thực hiện miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trên 22 nghìn học sinh là con em của các hộ gia đình nghèo trên địa bàn Thành phố.

Các chuyên gia cũng đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng xoay quanh giảm nghèo đa chiều như kéo giảm khoảng cách giàu nghèo, nâng cao năng lực cho hộ nghèo, phân tích nhu cầu nhà ở xã hội. Giai đoại 2016 - 2020, Chương trình giảm nghèo của TPHCM sẽ tập trung theo hướng giảm nghèo đa chiều và bền vững, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục đào tạo, y tế, việc làm, bảo hiểm xã hội, nhà ở… Đồng thời, Thành phố sẽ rà soát, bổ sung hoàn thiện các nhóm chính sách giảm nghèo theo hướng giảm nghèo bền vững, mở rộng chính sách hỗ trợ theo từng chiều thiếu hụt của người nghèo, có chính sách ưu tiên đối với nhóm hộ thuộc diện bảo trợ xã hội./.